Vấn đề quản lí nhân sự: “đi làm đúng giờ”

Lượt xem2907
Cập nhật 10/03/2017
Đi làm đúng giờ hay chỉ cần làm việc hiệu quả?
Là một người sếp, liệu bạn muốn nhân viên của mình đi làm đúng giờ hay bạn chỉ cần nhìn vào hiệu quả công việc của họ? Ở cương vị điều hành một doanh nghiệp nào đó, tính nghiêm minh đối với một người sếp là điều cần thiết; tuy nhiên, phong cách điều hành quản lý với từng đối tượng khác nhau nên là khác nhau. Tôi biết rằng không có nhân tố nào là duy nhất, là không thể kiếm được người để thay thế; nhưng tôi cũng biết rằng, để tìm kiếm và đào tạo một nhân tố mới cũng hết sức tốn kém mà hiệu quả thì phải chờ đợi thời gian trả lời. Nếu một môi trường làm việc nơi các kết quả và hiệu suất công việc là tiêu chí tiên quyết để đánh giá năng lực của một cá nhân thì yếu tố thời gian có nên “quá” được chú tâm? Nếu đi làm đúng giờ nhưng không đạt KPI có bị đuổi việc không? Hay đi làm không đúng giờ nhưng vẫn đạt KPI thì có bị đuổi việc không? Tôi thiết nghĩ, các nhà lãnh đạo nên quan tâm cụ thể tới những thành phần đi làm vừa không đúng giờ, vừa không đủ giờ, vừa không đạt KPI thì sẽ giải quyết được bài toán hóc búa này, thay vì áp đặt chung chung cho cả một tập thể mà chỉ có vài thành tố là con sâu làm rầu nồi canh cần được loại bỏ thích đáng.
Tất nhiên đi làm đúng giờ thì vẫn tốt hơn, dù bạn có đạt được bao nhiêu cái KPI tốt và xuất sắc đến cỡ nào. Nhưng vấn đề chính tôi muốn thảo luận trong bài này không phải là vấn đề tốt hay xấu. Tôi muốn nói đến khía cạnh quản lý con người của các vị sếp. Đó chỉ là ý kiến của tôi thôi, còn bạn thì sao?
 
Cái lý ấy đúng thế sao lại phải ấm ức?
Có hai thể loại ấm ức đấy bạn. Với những nhân viên làm việc cà tàng, không thật sự hoàn thành tốt công việc được giao, luôn trễ deadline, lúc nào cũng than thở nhiều việc nhưng thực tế số lượng công việc chẳng đáng là bao, họ có xu hướng lấy đủ thứ lý do trên đời để đi trễ về sớm và không hoàn thành kịp khối lượng công việc phải hoàn thành trong ngày. Đối với tuýp người như thế này, tôi thấy cứ bắt họ đi làm đúng và đủ giờ lại tốt. Tốt hơn nếu bạn có thể đình chỉ công việc và cho họ thôi việc nếu thái độ làm việc và hiệu quả công việc của họ không đáp ứng điều bạn cần tối thiểu. Việc giữ lại một người có thái độ không tôn trọng những người xung quanh sẽ khiến mọi người xung quanh xem thường khả năng của người lãnh đạo.
Dạng ấm ức thứ hai thuộc về những nhân tố vẫn làm việc hiệu quả dù họ không đi làm đúng giờ. Họ đến công ty lúc 9:30 sáng thay vì 9:00 hay 8:30 và làm việc tới tận 19:00 hoặc 20:00 giờ tùy ngày. Một số nhân tố có tính chất công việc đặc biệt phải làm việc vào ngày cuối tuần. Họ dù đi làm trễ nhưng rất tận tâm trong công việc; bằng chứng là họ luôn đạt các chỉ tiêu về KPI và các thể loại deadline do sếp hoặc công ty đề ra. Họ chỉ có một tật xấu đó là không dậy sớm được vào buổi sáng vì thường xuyên thức khuya vào buổi tối. Tật xấu này đáng trách thiệt, nhưng cũng không đến nỗi đáng bị lên án. Chắc bản thân họ cũng cảm thấy lối sống như vậy là không được khỏe mạnh nhưng vẫn chưa đủ quyết tâm để cải thiện. Tôi tự hỏi nếu công ty mà đuổi việc họ thiệt vì họ đi làm trễ thì sẽ ra sao nhỉ?
 
Cái lý của việc đi làm đúng giờ
Cái sự đúng giờ thì hẳn là một thói quen tốt khiến ai nghe qua chắc cũng phải đồng tình liền. Sự đúng giờ còn thể hiện tác phong chuyên nghiệp nơi công sở. Đi làm đúng giờ khiến bạn có thời gian tập trung làm việc hiệu quả hơn và làm được nhiều việc hơn. Đi làm trễ bạn sẽ không có đủ thời gian hoàn thành các thể loại công việc lớn bé trong ngày. Đi làm trễ cũng đồng nghĩa với việc coi thường thời gian, coi thường các bạn đồng nghiệp đi làm đúng giờ khác. Một người đi làm trễ được thì những người khác chắc chắn sẽ bắt chước theo. Vì thế hầu như công ty nào cũng luôn có máy chấm công để theo dõi tình hình đi làm đúng giờ của tất cả mọi người. Nhẹ thì trừ ngày phép, trừ lương; nặng thì bị đuổi việc. Bởi vậy, dù cô bạn tôi có ấm ức, hoặc các cô bạn đồng nghiệp của cô ấy có bức xúc thì tất cả bọn họ cũng phải cố gắng dậy sớm để đi làm đúng giờ hơn.
Nguồn: ELLE.VN