Cần linh hoạt khi tăng tuổi nghỉ hưu

Lượt xem1767
Cập nhật 27/04/2018
Đây là một trong vấn đề đáng chú ý được các đại biểu nêu ra tại hội tại Hội thảo “Tham vấn đánh giá tác động giới trong đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi” do Bộ LĐTB-XH, UN Women và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức ngày 26/4 tại Hà Nội.
 
Quan điểm  người sử dụng lao động

Theo Dự thảo Báo cáo đánh gía tác động giới của các chính sách trong đề nghị xây dựng Bộ Luật Lao động, tình trạng nghỉ hưu và đảm bảo chế độ hưu trí của người lao động (NLĐ) bộc lộ những bất cập như: Tuổi nghỉ hưu thấp và có sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu của nam và nữ. Mặc dù tuổi nghỉ hưu quy định là 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam, song thực tế tuổi nghỉ hưu trung bình là 54,2 năm, trong đó với tuổi nghỉ hưu trung bình của nam là 55,6 tuổi và đối với phụ nữ là 52,6 tuổi.

Ngoài ra, có thực tế là NLĐ tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu còn rất cao. Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH cho thấy, có 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang làm việc. Mỗi năm có khoảng 120.000 lao động nghỉ hưu sẽ có khoảng 48.000 NLĐ sẽ tiếp tục làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống, đóng góp và công hiến những kiến thức kinh nghiệm trong quá trình tích lũy làm việc. Mặt khác, việc đảm bảo chế độ hưu trí cho NLĐ đang phải đối diện sự mất cân đối tài chính có nguy cơ dẫn đến vỡ Qũy hưu trí vào sau năm 2035.

Đáng chú ý, trong Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động giới của các chính sách trong đề nghị xây dụng Bộ Luật Lao động nêu rõ vấn đề giới cũng tồn tại hai quan điểm khác nhau liên quan đến tuổi nghỉ hưu. Theo đó, quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau của nam và nữ thể hiện việc phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong khi điều kiện phát triển kinh tế và dịch vụ xã hội đã được cải thiện dẫn đến sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Cụ thể, kết quả tham vấn cho thấy đa số ý kiến ủng hộ phương án cần quy định tuổi nghỉ hưu như nhau giữa lao động nam và nữ. 

“Mặt khác, quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau của nam và nữ là chính sách bảo vệ lao động nữ vẫn còn phù hợp và cần duy trì trong hiện nay. Phần lớn NSDLĐ và NLĐ trực tiếp hoặc gián tiếp sản xuất ở các doanh nghiệp vẫn muốn tiếp tục duy trì tuổi nghỉ hưu hiện hành vì các lý do như người lao động cho rằng sức khỏe và điều kiện làm việc hiện tại ở các doanh nghiệp chưa phù hợp với tăng độ tuổi nghỉ hưu. Hơn nữa người sử dụng lao động không muốn tăng độ tuổi nghỉ hưu vì hiệu quả sử dụng NLĐ cao tuổi thường là thấp và có nguồn lao động trẻ dồi dào trong thị trường lao động” – Đánh giá tác động chính sách nêu rõ.

Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Là thành viên của nhóm nghiên cứu đánh giá tác động giới của các chính sách trong đề nghị xây dụng Bộ Luật Lao động, bà Dương Thanh Mai cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc không thể dựa vào đánh giá của một con số đại diện cho một nhóm nào đó, hay vì áp lực BHXH mà tăng đồng loạt. Cũng theo bà Mai, câu chuyện tăng tuổi  nghỉ hưu là vấn đề nóng bởi nó liên quan đến quyền lợi của nhiều người.

 “Khi chúng ta xác định tuổi nghỉ hưu thì cần có giải pháp hỗ trợ để khắc phục bất bình đẳng giới, trong đó chế độ hưu trí linh hoạt là giải pháp tối ưu nhất. NLĐ  ở vị trí nào, với điều kiện cụ thể cũng có thể hưởng quyền lao động đến tuổi quy định đồng thời cũng có quyền được nghỉ sớm với chế độ BHXH thích hợp. Mà ở đây không phải đi xin quyền mà thực hiện quyền”- bà Mai nhấn mạnh.

Thực tế khi bàn về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu không phải là giải pháp tối ưu, nhưng có tác động đến cân đối quỹ BHXH. Một trong những mục đích tăng tuổi nghỉ hưu là để cân đối quỹ BHXH, cần tính toán kỹ hơn vì có thể được lợi cho quỹ BHXH nhưng sẽ bất lợi cho ngân sách Nhà nước.

Theo phân tích của đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, hiện nay lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường là 2,34. Trong khi lương của người lao động đến tuổi nghỉ hưu ít nhất cũng hơn 6,0 (gấp gần 3 lần), nhưng chất lượng làm việc của người lao động đến tuổi nghỉ hưu chưa chắc đã bằng lớp trẻ khi tới đây chúng ta sẽ bước vào thời đại 4.0. Ngân sách Nhà nước phải trả tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần cho những cán bộ, công chức cao tuổi đó. Do vậy đại diện Tổng Liên đoàn cho rằng cần phải tính toán kỹ lộ trình tăng, nên ưu tiên nhóm có trình độ cao và tăng ở khu vực hành chính sự nghiệp trước.    

Lê Bảo
Tham khảo thêm phần mềm quản lý nhân sự VHRO