Thiếu xót ở doanh nghiệp khiến nhân viên dậm châm tại chỗ

Lượt xem2733
Cập nhật 29/05/2017
Trong các nghiên cứu về sự thỏa mãn trong công việc của người lao động, nhân tố “thăng tiến” luôn là nhân tố quan trọng chi phối các kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, ở Việt Nam không phải ai cũng may mắn được làm việc ở những công ty có  bước thăng tiến rõ ràng.

Trong nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ xưa tới nay dường như không xem trọng vấn đề này, họ luôn nghĩ rằng DNNN sẽ được Nhà nước “bao bọc”, dù nhân viên có lộ trình thăng tiến hay không thì cũng không ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Sự mù mờ về thăng tiến sẽ làm cho nhân viên cảm thấy bất an, không thấy được đường đi của mình để đi đến tận cùng với nghề nghiệp, và sự mù mờ ấy cũng giết chết vô số hoài bão và nhiệt huyết của không ít người đã từng có tâm huyết về nghề nghiệp của mình. Nhân viên thích thì ở lại làm, không thích cứ việc ra đi, không có người này làm sẽ có người khác thay thế vì không thiếu người muốn xin vào “nhà nước”! Và tư tưởng này đã làm biết bao nhiêu doanh nghiệp quốc doanh điêu đứng, vì khi nhìn lại bộ máy quản lý nhân lực của những doanh nghiệp này, không còn mấy nhân tài!? “Chất xám” đã chảy về các doanh nghiệp ngoài quốc doanh!

Ở những công ty có vốn nước ngoài, một nhân viên khi bước chân vào làm việc ngày đầu tiên, họ đã được biết một lộ trình thăng tiến đi kèm với những chuẩn mực về con người: trong một thời gian nhất định, nếu anh đạt được những thành quả nhất định, anh sẽ thăng tiến ở một vị trí nhất định với những phúc lợi nhất định. Đó là một trong những giải pháp nhân sự hoàn hảo để giữ chân nhân tài của doanh nghiệp.
 

 
Thế nên, ở những công ty này, dù nhân viên phải bỏ rất nhiều công sức ra làm việc nhưng họ vẫn rất sẵn lòng và làm việc một cách vui vẻ, vì họ biết công sức của họ được đền bù xứng đáng, và được đối xử công bằng.

Có lộ trình thăng tiến rõ ràng, nhân viên sẽ phấn đấu nhiều hơn cho công việc của mình

Nếu nhìn vào các DNNN thì điều này ngược lại, vì không có một  sự thăng tiến rõ ràng nên sự phát triển nhân sự được đánh giá bằng tỷ lệ thuận các mối quan hệ, người có nhiều mối quan hệ tốt sẽ thăng tiến nhanh hơn rất nhiều so với người giỏi làm việc nhưng không giỏi giao tiếp, và những người có năng lực nhưng thẳng thắn thường chịu nhiều thiệt thòi tại môi trường này. Điều này đã gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy.

Ở nhiều DNNN vì không có  sự thăng tiến rõ ràng nên việc đề bạt ở đây thường dựa theo cảm tính. Cấp trên nhìn xuống thấy ai tốt với mình thì đề bạt, không cần xem xét một cách thấu đáo năng lực hiện tại của người ấy có thật sự phù hợp với vị trí mới hay không. Đây thực sự là mối nguy đối với sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp.

Vì tổ chức thiếu sự minh bạch nên những người thực sự muốn thăng tiến sẽ dành thời gian xây dựng các mối quan hệ mà không quan tâm đến những giá trị cốt lõi làm nên sự thành công của bản thân, của doanh nghiệp dẫn đến lơ là trách nhiệm, đánh mất niềm tin của khách hàng, đồng nghiệp và sau cùng là đánh mất bản thân.
 
Trong một môi trường như thế, những nhân viên có năng lực khác dễ rơi vào tâm trạng bất mãn và chán việc, không muốn cống hiến nữa. Dần dần họ sẽ trở nên  trì trệ và biến mình thành những nhân viên bình thường như bao nhiêu người khác. Với cách quản lý này, không ít doanh nghiệp đã đánh mất nhiều nhân viên tốt. Và khi nhân viên không muốn làm việc nữa, không sớm thì muộn doanh nghiệp sẽ đi vào ngõ cụt.

Trong một tổ chức thiếu vắng lộ trình thăng tiến cho nhân viên, thì những người có tham vọng - thay vì chú trọng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ - sẽ tìm mọi cách lấy lòng những người khác trong doanh nghiệp, tạo lực lượng hậu thuẫn, gây ra hiện tượng bè phái trong doanh nghiệp. Một khi trong tổ chức xuất hiện bè phái, doanh nghiệp sẽ không còn là một khối thống nhất nữa, và như thế, sớm hay muộn nó cũng sẽ bị phá vỡ.

Có  con đường thăng tiến, nhân viên sẽ tận tâm cống hiến, thay vì bỏ thời gian để “chăm sóc” các mối quan hệ, họ sẽ dành thời gian nhiều hơn cho công việc và đem lại các giá trị thực tế hơn. Hơn nữa, doanh nghiệp sẽ thu hút được nhiều người có năng lực và giữ chân họ một cách dễ dàng hơn, và một khi thu hút được nguồn nhân lực tốt, doanh nghiệp sẽ phát triển vững bền và nhanh chóng.

Các doanh nghiệp cần phải xác định rõ ràng bước thăng tiến và phổ biến công khai cho nhân viên của mình, để mọi nhân viên đều biết được mình sẽ ra sao trong tương lai, giúp họ định hướng được con đường mình sẽ đi. Việc này không phải dễ làm, nhưng nếu muốn duy trì và phát triển, doanh nghiệp buộc phải thực hiện. Và cách làm dễ dàng nhất là học hỏi lộ trình thăng tiến từ các công ty nước ngoài nổi bật đang có mặt tại Việt Nam.